EXECUTIVE SUMMARY IN VIETNAMESE

Nghiên cứu Quốc tế: Thời khắc Chuyển hướng

 

ABOUT US

This report was created by

thanks to support from 

with additional support from 

Tóm tắt

Khi đại dịch khiến cho cả thế giới phải áp dụng lệnh phong tỏa vào đầu năm 2020, doanh số quảng cáo giảm mạnh. Các nhà phân tích cảnh báo về một biến cố có thể khiến các tổ chức báo chí đi đến “tuyệt chủng”.

Các hãng truyền thông độc lập sử dụng nền tảng kỹ thuật số bị ảnh hưởng như thế nào trong cuộc khủng hoảng này? Xuất phát từ câu hỏi đó, SembraMedia đã khởi động một dự án nghiên cứu quy mô lớn vào đầu năm 2021 để tìm hiểu xem các tổ chức tương đối non trẻ này hoạt động ra sao trong đại dịch, và những gì đã thay đổi từ sau nghiên cứu Thời khắc Chuyển hướng (Inflection Point) đầu tiên mà chúng tôi thực hiện năm 2016.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi phần lớn trong số hơn 200 hãng truyền thông kỹ thuật số tham gia nghiên cứu mở rộng này không phải chịu lỗ lớn như các tổ chức báo chí truyền thống. Theo các phân tích của chúng tôi, lý do chủ yếu là các tổ chức này không quá phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo, và vì các nguồn quỹ tài trợ cho báo chí – truyền thông đã tăng lên trong năm 2020.

Trong nghiên cứu Thời khắc Chuyển hướng năm 2016, chúng tôi phỏng vấn 100 hãng truyền thông kỹ thuật số ở Argentina, Brazil, Colombia, và Mexico. Trong nghiên cứu lần này, ngoài 100 cuộc phỏng vấn tại các nước châu Mỹ Latin đó, chúng tôi bổ sung tám quốc gia khác, phỏng vấn các lãnh đạo của 49 hãng truyền thông kỹ thuật số ở châu Phi: Ghana, Kenya, Nigeria, và Nam Phi, cùng với 52 tổ chức khác ở Đông Nam Á: Indonesia, Philippines, Malaysia, và Thái Lan.

Với đội ngũ 23 nghiên cứu viên địa phương do quản lý cấp vùng điều phối, chúng tôi thực hiện phỏng vấn bằng ngôn ngữ địa phương ở từng quốc gia. Các cuộc phỏng vấn kéo dài từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ và bao gồm 500 câu hỏi bao trùm từ nội dung và tác động của báo chí, tự do báo chí và an toàn của nhà báo, các nguồn doanh thu và chi phí, cấu trúc nhân sự và kinh nghiệm, việc sử dụng mạng xã hội, cùng với công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chắc bạn cũng hình dung được, có những khác biệt mang tính khu vực giữa các tổ chức báo chí kỹ thuật số tại châu Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ Latin được khảo sát trong nghiên cứu này. Tuy vậy, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất khi xem xét các dữ liệu lại là những điểm tương đồng của các tổ chức báo chí này trong nỗ lực tường thuật các vấn đề của cộng đồng và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.

Mặc dù phần lớn tổ chức vận hành với một ngân sách eo hẹp, họ đã tạo ra một tác động vượt xa quy mô của mình, xét trên nhân sự và nguồn lực mà họ có. Nhiều tổ chức chuyên sâu về điều tra và báo chí dữ liệu, và hơn 50% trong số đó đã được nhận giải thưởng trong nước và quốc tế cho các sản phẩm của mình.

Báo cáo Thời khắc Chuyển hướng Quốc tế này đại diện cho nỗ lực nghiên cứu sâu rộng nhất từ trước đến nay về tình hình của các hãng truyền thông kỹ thuật số tại khu vực châu Mỹ Latin, Đông Nam Á, và châu Phi. Giống như rất nhiều lĩnh vực khác trong bối cảnh đại dịch vẫn là một nỗi ám ảnh toàn cầu, những phát hiện của chúng tôi là một hỗn hợp của những nguy cơ đáng báo động cùng với những đột phá truyền cảm hứng.

Các hãng truyền thông kỹ thuật số trong nghiên cứu này được những nhà báo đầy tâm huyết xây dựng nên, sẵn sàng đối đầu với các chính quyền tham nhũng và các đường dây bạo lực quốc tế, bất kể nguồn lực hạn chế. Rất nhiều người trong số đó vì việc này mà đánh đổi cuộc sống tiện nghi, và thậm chí cả sinh mạng.

Nhưng báo cáo này không phải là một lời cầu xin hay một đề nghị tuyệt vọng để giải thoát một nhóm tổ chức báo chí đang gặp khó khăn. Hoàn toàn không phải vậy. Nhiều nhà sáng lập mà chúng tôi phỏng vấn không hề muốn xin giúp đỡ.

Mục tiêu của chúng tôi trong những trang tiếp theo là rọi sáng vào những nhân tố báo chí quan trọng này. Họ xứng đáng được công nhận nhiều hơn nữa. Nhiều tổ chức đã sản xuất các sản phẩm tạo tác động thực sự đáng kể, từ bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, ủng hộ bình đẳng giới, cho đến buộc các quan chức tham nhũng phải từ chức trong ô nhục.

Chúng tôi chia sẻ những phát hiện và khuyến nghị này vì các tổ chức tiên phong này xứng đáng được bảo vệ khi họ đối đầu với những thế lực hùng mạnh. Họ cũng cần các hỗ trợ về tài chính và nâng cao năng lực để xây dựng các tổ chức báo chí độc lập kiên cường hơn – những tờ báo sẽ phục vụ cộng đồng của họ và cả nền dân chủ trong những năm sắp tới.

Làm việc giữa làn sóng đe dọa và tấn công

Các hãng truyền thông mới này đối mặt với nhiều thách thức điển hình của các công ty khởi nghiệp, nhưng điều kiện làm việc của họ bao gồm những thứ nằm ngoài sức tưởng tượng của các nhà sáng nghiệp khác – từ tấn công trên mạng cho đến bạo lực thể chất.

Trong cả ba khu vực, 51% tổ chức được khảo sát cho biết họ là nạn nhân của các cuộc tấn công kỹ thuật số, và 40% nói họ từng bị đe dọa vì công việc của mình với tần suất hàng tuần, thậm chí hàng ngày.

Quấy rối trên mạng đã trở nên tràn lan đến mức nhiều tổ chức cho biết họ là đối tượng của các hành vi trolling và các hình thức xâm hại và quấy rối trên mạng khác – chủ yếu là qua mạng xã hội.

Các hãng truyền thông kỹ thuật số tạo doanh thu như thế nào trong năm 2019 và 2020

Để hiểu hơn về cách mà các hãng truyền thông kỹ thuật số vận hành trước và trong thời gian đại dịch, chúng tôi đã đặt những câu hỏi chi tiết về nguồn doanh thu và chi phí cho cả năm 2019 và 2020.

Trong suốt báo cáo này, chúng tôi sử dụng dữ liệu từ năm 2019 để tránh những bất thường ngắn hạn do đại dịch COVID-19 gây ra. Chúng tôi chỉ đưa các số liệu năm 2020 vào khi có khác biệt đáng kể.

Cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả các tổ chức báo chí tham gia nghiên cứu này đều có thể trả lời các câu hỏi liên quan đến doanh thu và tài chính. Một vài tổ chức từ chối trả lời, cho dù chúng tôi đã cam kết về quyền riêng tư. Vì thế, những con số về tài chính được trình bày ở đây dựa trên 141 trong tổng số 201 tổ chức mà chúng tôi phỏng vấn. Để tiện cho việc so sánh các phát hiện này, doanh thu và chi phí được đổi sang đô-la Mỹ, sử dụng tỷ giá hối đoái trung bình của năm tương ứng.

Trong toàn bộ các tổ chức ở cả ba khu vực mà nghiên cứu này được tiến hành, những nguồn thu hàng đầu theo thứ tự là: các quỹ tài trợ, quảng cáo, dịch vụ tư vấn, dịch vụ sản xuất nội dung, và doanh thu từ bạn đọc. Các cấu phần và thứ tự này giữ nguyên trong hai năm.

 

Các nguồn thu chính của tổ chức báo chí tại cả ba khu vực *

Tỷ lệ trung bình trong thu nhập năm 2019

Tỷ lệ trung bình trong thu nhập năm 2020

Giá trị trung bình năm 2019 (USD)

Giá trị trung bình năm 2019 (USD)

Tổng doanh thu từ quỹ tài trợ

28.08%

30.75%

$48,258

$63,597

Tổng doanh thu quảng cáo

23.32%

20.81%

$27,903

$27,323

Tổng doanh thu từ dịch vụ tư vấn

11.96%

10.26%

$17,664

$27,770

Tổng doanh thu từ dịch vụ nội dung

8.28%

6.86%

$10,492

$14,066

Tổng doanh thu từ bạn đọc

8.27%

6.49%

$23,180

$21,834

* Các khoản thu tương tự được cộng gộp vào trong các nguồn lớn nhất

  • Quỹ: Gồm tất cả các nguồn quỹ tài trợ từ các tổ chức tư nhân, các nhà đầu tư thiện nguyện, tập đoàn tư nhân, bao gồm Google và Facebook, cũng như các nguồn quỹ từ các tổ chức chính phủ trong nước và quốc tế
  • Doanh thu quảng cáo: Gồm tất cả các nguồn quảng cáo được báo cáo, bao gồm Google Adsense, quảng cáo hợp tác (affiliate ads), mạng lưới quảng cáo lập trình sẵn, nội dung tài trợ, quảng cáo tự nhiên (native ads) và các quảng cáo do các đại lý và nhân viên bán
  • Doanh thu từ dịch vụ nội dung: Gồm tất cả doanh thu từ việc cho phép đăng lại nội dung, các nội dung thực hiện theo đặt hàng của các tờ báo khác, nội dung do các khách hàng ngoài ngành truyền thông đặt hàng, dịch vụ thiết kế hoặc công nghệ
  • Doanh thu từ bạn đọc: Bao gồm đăng ký đọc báo, phí thành viên, đăng ký nhận thư tin, đóng góp từ cá nhân, gây quỹ cộng đồng và bán vé tham gia các sự kiện

Tỷ trọng lớn của các quỹ tài trợ trong doanh thu là một điều đáng chú ý ở đây. Khi nghiên cứu về các tổ chức báo chí tại châu Mỹ Latin năm 2016, quỹ tài trợ không phải là một nguồn nổi bật. Cụ thể, chỉ 16% các tổ chức được phỏng vấn cho biết có nhận tài trợ.

Năm 2019, tất cả các tổ chức tại cả ba khu vực trong nghiên cứu này đều nhận hỗ trợ từ các nguồn quỹ, chiếm 28% tổng doanh thu, chạm mức 31% trong năm 2020. Mức ngân sách trung bình cấp cho mỗi tổ chức tăng từ 48.000 USD trong năm 2019 lên đến 63.000 USD trong năm 2020. Tỷ lệ quỹ hỗ trợ cũng cao hơn ở khu vực châu Mỹ Latin.

Trong các cuộc thảo luận riêng, chúng tôi được biết rằng các nhà tài trợ và các quỹ đang lo lắng nhiều hơn về việc báo chí độc lập sẽ phụ thuộc quá mức vào các quỹ tài trợ. Chúng tôi chia sẻ quan ngại này. Tuy nhiên, có lý do để tin rằng sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và các khoản đầu tư thiện nguyện có xu hướng tăng lên là nhằm giúp các doanh nghiệp báo chí kỹ thuật số vượt qua cơn khủng hoảng đại dịch.

Cũng cần lưu ý rằng các tổ chức này khởi nghiệp với một ngân sách eo hẹp. Có thể thấy, một khoản vốn nhỏ có thể giúp một tổ chức đi một chặng đường dài.

Hơn 60% hãng báo chí kỹ thuật số trong nghiên cứu này cho biết họ tạo ra tổng doanh thu ít hơn 50 nghìn USD trong năm 2019, và 8% cho biết họ không có bất kỳ khoản doanh thu nào, nghĩa là họ phụ thuộc hoàn toàn vào tình nguyện viên.

Nhưng không phải tất cả đều có quy mô nhỏ như vậy. Trong năm 2019, hơn 36% tổ chức ở cả ba khu vực báo cáo doanh thu hàng năm vượt mức 100.000 USD, và 15% báo cáo doanh thu hàng năm trung vị trên 1 triệu USD.

Chúng tôi cũng phát hiện gần 25% tổ chức có lợi nhuận dương sau khi kết thúc năm 2019.

Thu nhập từ quảng cáo xếp thứ hai trong số các nguồn thu lớn nhất, với chênh lệch tương đối nhỏ. Mức doanh thu quảng cáo trung vị trên mỗi tổ chức duy trì tương đối ổn định ở mức 28.319 USD năm 2019, và 27.323 USD trong năm 2020.

Để hiểu hơn về cách mà các tổ chức thuộc các giai đoạn phát triển khác nhau xây dựng mô hình kinh doanh, chúng tôi tạo một danh sách gồm 30 loại nguồn thu khác nhau. Phần này được phân tích kỹ trong chương Xây dựng mô hình kinh doanh (Building Business Models).

Chúng tôi đã luôn cổ vũ cho việc đa dạng hóa nguồn thu để có được sự độc lập lớn hơn và bền vững hơn, nhưng khi so sánh số lượng nguồn thu của từng tổ chức và ảnh hưởng của chúng lên doanh thu hàng năm, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều hơn không hẳn là luôn tốt hơn, và số lượng nguồn thu tối ưu là ở mức từ hai đến sáu.

Những tổ chức có nhiều hơn sáu nguồn thu không nhất thiết kiếm được nhiều tiền hơn. Đây là một phát hiện có liên quan đến một thách thức thường thấy của các tổ chức: quá nhiều dự án cùng một lúc có thể cản trở thành công.

Đội ngũ có kỹ năng đa dạng hơn thì tạo ra nhiều doanh thu hơn

Trong nghiên cứu đầu tiên năm 2016 của chúng tôi về các tổ chức báo chí do nhà báo lãnh đạo này, một trong những phát hiện thú vị nhất là tác động của việc bổ sung ít nhất một chuyên viên bán hàng và phát triển kinh doanh trong đội ngũ.

Trong nghiên cứu mở rộng năm nay, chúng tôi nhận thấy phát hiện này trùng khớp ở cả ba khu vực. Năm 2019, những tổ chức có một chuyên viên bán hàng có lương có doanh thu cao hơn từ sáu đến chín lần so với những tổ chức không có vị trí này.

Lần này, chúng tôi đã hỏi cụ thể về mức lương cho vị trí này, và thông tin thu được là mức lương trả cho chuyên viên bán hàng và phát triển kinh doanh trải rộng từ 200 USD cho đến 2.000 USD/ tháng, với trung vị toàn cầu là 733 USD.

Xét đến tác động đáng kể của việc có một chuyên viên kinh doanh và mức giá nhân công tương đối thấp trong ngành này, đầu tư vào lĩnh vực bán hàng và kinh doanh tiếp tục là một trong những khuyến nghị hàng đầu của chúng tôi.

Một trong số các phát hiện mới khác là các tổ chức báo chí có chuyên viên về công nghệ hoặc đổi mới sáng tạo có doanh thu báo cáo cao hơn gấp ba lần – kể cả khi họ không có chuyên viên kinh doanh.

Nhiều chủ sở hữu là phụ nữ, người thuộc cộng đồng thiểu số

Phụ nữ chiếm 38% trong số các nhà sáng lập của 100 hãng truyền thông kỹ thuật số được phỏng vấn ở Argentina, Brazil, Colombia và Mexico trong nghiên cứu năm 2016. Đó là một trong những phát hiện ấn tượng nhất của chúng tôi.

Phát hiện này đáng chú ý bởi vì so với các tờ báo và đài truyền hình truyền thống, số lượng phụ nữ giữ vai trò sở hữu tại các tổ chức báo chí mới cao hơn rất nhiều. Tại các tổ chức truyền thống, tỷ lệ có chủ sở hữu là nữ chỉ là 1%.

Trong nghiên cứu lần này, chúng tôi phát hiện 32% trong số tất cả nhà sáng lập của 201 công ty được nghiên cứu là nữ. Tỷ lệ này thay đổi theo khu vực và thấp hơn đáng kể ở khu vực châu Phi.

Bên cạnh đó, 25% tổ chức cho biết mình có ít nhất một nhà sáng lập thuộc cộng đồng thiểu số ở quốc gia đó. Tỷ lệ này là gần 30% ở châu Mỹ Latin, 25% ở Đông Nam Á, và 20% ở châu Phi.

Ai nên đọc báo cáo này

Chúng tôi chia sẻ các kết quả nghiên cứu trong báo cáo này với mục tiêu hỗ trợ các hãng truyền thông kỹ thuật số, nhưng chúng cũng có thể hữu ích đối với các tổ chức báo chí truyền thống, trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số sẽ tiếp tục khiến cho mô hình kinh doanh của các tòa soạn truyền thống trở nên không còn tối ưu.

Chúng tôi nhận thức rõ rằng báo cáo này được công bố vào một thời khắc chuyển hướng khác trong lịch sử tương đối ngắn của các hãng truyền thông kỹ thuật số. Các tổ chức này phải đấu tranh chống thông tin sai lệch, cung cấp thông tin đúng cho cộng đồng, cùng lúc đó phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng kinh tế hậu đại dịch ở đất nước họ, đó là chưa kể đến những làn sóng đe dọa và tấn công.

Chúng tôi hy vọng rằng các phát hiện, khuyến nghị, cũng như những thực hành hiệu quả được giới thiệu trong báo cáo này có thể tiếp sức cho các nhà báo, các nhà tài trợ, giới học thuật, và những người khác trong sứ mệnh hỗ trợ báo chí độc lập phát triển và đổi mới nhằm cung cấp thông tin cho cộng đồng tốt hơn và sau cùng là giúp củng cố nền dân chủ tại mỗi quốc gia.

Báo cáo này do SembraMedia thực hiện với sự hỗ trợ chính của Luminate và hỗ trợ bổ sung của CIMA.